Headlines News :

Blogroll

Home » , » Qui trình quản lý bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam

Qui trình quản lý bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam

Written By Unknown on Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013 | 21:16


Qui trình quản lý bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam

(Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Trạm BVTV Tam Bình - 22/04/2013)

Bệnh vàng lá thối rễ là một trong những bệnh hại nguy hiểm, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích kinh tế, cho người trồng cam ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, riêng ở Vĩnh Long có khoảng 6500 ha trồng cam thì có đến gần một phần tư diện tích bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ. Bệnh thường xuất hiện và gây hại nặng trên những vườn cam lâu năm và kể cả những vườn cây trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, bệnh làm giảm năng suất và thậm chí gây chết cây.
Triệu chứng:
Trên lá, trái: Khi bệnh mới xuất hiện, lá của cây vẫn bình thường nhưng gân lá có màu vàng nhạt, phiến lá ngả màu vàng cam và dễ rụng, khi có gió lá già phía dưới bị rụng trước sau đó đến lá trên; Chất lượng trái kém và bị rụng sớm; Bệnh nặng làm chết cả cây.
Rễ: Bệnh này sẽ làm cho bộ rễ bị thối từ rễ nhỏ lan dần vào trong rễ lớn, rễ bị thối có màu nâu vỏ rễ tuột ra khỏi phần gỗ, bên trong có sọc nâu lan dần vào rễ cái, từ đó làm cành bị chết khô. Khi cây bị bệnh nặng, tất cả rễ đều bị thối đen và chết, cuối cùng là chết toàn cây.
                       
Tác nhân:
Bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cam sành do nhiều tác nhân gây ra, nhưng yếu tố gây hại chính là do nấm Fusarium solani. Những tác nhân gây bệnh này có nguồn gốc phát sinh từ đất, do đó đòi hỏi phải áp dụng nhiều biện pháp quản lý ngay từ đầu, thì hiệu quả phòng trị bệnh mới đạt hiệu quả.
Điều kiện phát sinh, phát triển:
Bệnh vàng lá, thối rễ thường xuất hiện nhiều trong mùa mưa, ở những vùng đất bị ngập nước, thoát nước kém, bệnh phát triển mạnh trên những vùng đất có pH thấp. Những vườn thiếu chăm sóc, nông dân sử dụng nguồn cây giống trôi nổi, trong mùa nắng cây bị thiếu nước. Ở những vùng đất có tuyến trùng thì bệnh càng trầm trọng hơn.
1. Thiết kế vườn:
* Đắp mô, lên líp:
Các nhà khoa học còn khuyến cáo nên xử lý đất đai thật kỹ trước khi trồng, nên đấp mô cao để dễ thoát nước. Đất được đấp mô nên là lớp đất mặt được phơi khô.
Đối với những vườn trồng mới trên chân đất ruộng thì cần phải đắp mô có đường kính từ 0,6-0,8m, cao 0,5-0,7m, giữa các hàng cam phải có mương rãnh thoát nước.
*Đê bao:
Cây cam chịu ngập úng kém, nhưng cần đủ ẩm độ để cây phát triển, do đó phải có bờ bao và cống thoát nước, nhằm chủ động quản lý nước trong mương vườn và ẩm độ trong vườn. Nên giữ mực nước trong ao cách mặt líp khoảng 50-80cm.
*Mật độ trồng:
Cây cách cây: 3,5 – 4 m; hàng cách hàng 4 – 5 m (khoảng 500 -700 cây/ha)
2. Chăm sóc cây:
Bón phân cho cây:
Cây cam cũng như các loại cây trồng khác, nó đòi hỏi phải có chế độ dinh dưỡng, phân bón hợp lý vào các giai đoạn phát triển của cây, liều lượng bón thay đổi tăng dần theo độ tuổi cây.
- Bón lót (trước khi trồng cây): Bón cho một hố trồng: 30 - 50 kg phân hữu cơ hoai mục + 0,3 – 0,5 kg lân + 0,2-0,3 kg Kali + Vôi bột 0,5 - 1 kg.
- Bón cho cây từ 1 – 3 năm tuổi:
+ Lần 1: Khoảng tháng 12: bón 20-30kg phân hữu cơ hoai mục + 0,3-0,5kg lân/cây.
+ Lần 2: Tháng 1-2: 0,1-0,3kg Urea /cây.
+ Lần 3: Tháng 4-5: 0,15-0,4kg Ure + 0,5-0,8kg KCl/ cây.
+ Lần 4: Tháng 8-9: 0,1-0,3kg Urea /cây.
- Bón cho cây cho trái (trên 3 năm tuổi)
+ Lần 1: Sau khi thu hoạch: bón 30-50kg phân hữu cơ hoai mục + 1-1,5kg lân + 2kg Vôi /cây.
+ Lần 2: Tháng 2-3: 0,5-0,8kg Urea + 0,3-0,5kg Kali/cây.
+ Lần 3: Tháng 4-5: 0,4-0,6kg Ure + 0,2-0,4kg KCl/ cây.
+ Lần 4: Tháng 7-8: 0,4-0,6kg Ure + 0,2-0,4kg KCl/ cây.
Phương pháp bón: xới nhẹ xung quanh 2/3 tán cây trở ra hoặc xẻ rảnh sâu 5-10cm từ tán trở vào, bón phân và lắp đất lại, tưới nước thường xuyên đảm bảo đủ nước trong mùa nắng.
Ủ gốc giữ ẩm: Cần phải tủ gốc giữ ẩm bằng, rơm rạ, cỏ khô…để giữ ẩm cho đất, nên tủ cách gốc 20 – 30 cm.
Vét bùn bồi líp:
Đối với vườn trồng cam, đặc biệt những vườn mới lập từ đất ruộng, thì hàng năm vào đầu mùa nắng, cần tiến hành vét mương, bồi bùn lên líp. Bùn mới vét cho tập trung ở hai bên rìa mặt líp, đợi khô rồi sau đó rải thành lớp mỏng khoảng 5mm lên mặt mô(không được bồi dày làm rễ oi nước) .
Tưới nước:
Sau trồng tưới ướt đẩm đất, vào mùa khô, nên tưới nước thường xuyên khoảng 2 ngày/ lần để cung cấp đủ nước cho cây. Tránh tưới nước quá dư thừa làm ẩm độ đất đất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh trong đất phát triển và gây bệnh.
3. Phòng trừ bệnh:
a) Biện pháp cơ học:
Tỉa cành, tạo hình cho cây ngay khi cây còn nhỏ, thừng xuyên cắt tỉa, loại bỏ những cành già yếu, sâu bệnh,…để giúp cây thông thoáng và thúc đẩy chồi mới hình thành mạnh. Khi cây chớm bệnh cắt bỏ rễ bị bệnh (bôi thuốc vào vết cắt để hạn chế bệnh lây lan) giúp cây phục hồi trở lại.
Sớm loại bỏ những cây bệnh nặng, không có khả năng phục hồi, tiến hành sử lý đất trước khi trồng cây mới.
b). Biện pháp sinh học:
Nên bón kết hợp nhiều phân hữu cơ, đặc biệt là phân chuồng hoai mục (20-40kg/gốc) với nấm Trichoderma (theo hướng dẫn trên bao bì), nhằm tiêu diệt mầm bệnh gây hại có trong đất. Cần cách ly chế phẩm vi sinh Trichoderma với thuốc trừ nấm ít nhất là 20 ngày.
Có thể trồng cây vạn thọ xung quanh gốc cây, nhằm giảm mật số của tuyến trùng trong đất.
c). Biện pháp hoá học:
Kiểm tra vườn thường xuyên nhằm phát hiện sớm nhất bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam, nhằm có biện pháp quản lý kịp thời.
Đối với cây mới chớm bệnh nên sử dụng một trong các loại thuốc sau: Aliette 80 WP, Ridomil 72WP, Benomyl 50WP, Norshield 86.2WG,… tưới cho cây. Ngoài ra có thể phòng trừ tuyến trùng bằng các loại thuốcnhư: Mocap 10G, Nisuzin 10G, Basudin 10H, Regent 0.3G,…./.
Share this article :

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

Blogger templates

 
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Kỹ Thuật Trồng Cam Sành - All Rights Reserved